15 thg 1, 2008

Eo ôi, rác!

Chỉ 2 tuần lễ sau khi lệnh cấm lưu hành các loại xe ba, bốn bánh tự chế có hiệu lực, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sống chung với rác.

Theo ghi nhận của Chứng nhân Lịch sử tại Sài Gòn và Hà Nội, tình trạng rác thải sinh hoạt không được thu dọn kịp thời là phổ biến. Ngay trên đường phố, không khó khăn gì để người dân chứng kiến cảnh rác được dồn thành đống mà không được ai thu dọn. Nguyên nhân của việc dồn ứ rác thải xuất phát từ việc những người hành nghề thu gom rác dân lập, sử dụng phương tiện xe lam và ba gác, quyết định bỏ nghề vì sợ bị công an tịch thu xe.

Được biết, quy trình xử lý rác tại các đô thị gồm việc các xe rác dân lập đến từng hộ gia đình nhận rác, tập trung về các bô rác trung chuyển để lực lượng xe tải chuyên dụng của Cty. Dịch vụ công ích chuyển đến các hố chôn rác ở các tỉnh thành. Riêng lượng rác trên đường phố sẽ do các công nhân vệ sinh thu dọn vào ban đêm và cũng đưa về các bô rác trung chuyển.

Với lệnh cấm lưu hành các loại xe ba, bốn bánh tự chế, nhiều hộ gia đình hành nghề thu gom rác đã phải rã xe, bán phế liệu, và chuyển sang làm các công việc khác như phụ hồ, khuân vác... Thông tin từ Tây Ninh cho biết trong những ngày gần đây có một lượng lớn người Sài Gòn chuyển đến vùng biên giới và gia nhập đoàn quân cửu vạn (gánh thuê hàng lậu qua biên giới). Một số lớn trong những người này là dân làm rác giải nghệ.

Một nghiệp chủ của nghiệp đoàn rác dân lập nói với Chứng nhân Lịch sử: "Nghiệp đoàn chúng tôi trước đây có hơn 450 người. Hai tuần nay đã có hơn 180 người bỏ nghề. Chúng tôi cũng đã cố động viên họ nhưng cũng phải chấp nhận sự thật là chẳng ai dám đợi thêm 6 tháng nữa. Nếu tới lúc đó mà chính quyền vẫn không có cách giải quyết nào thì anh em chỉ còn nước chết đói chứ biết làm gì mà sống". Ông cho biết thêm rằng dù chính quyền có gợi ý sẽ cho nhập loại xe tải nhỏ, tải trọng 500kg, miễn thuế để phục vụ việc vận chuyển rác nhưng những người làm rác không ai có thể có 147 triệu đồng để mua xe này.

Theo các nguồn tin riêng của chúng tôi thì Xí nghiệp Samco (Cty. kinh tài của các quan chức Cộng sản cấp cao, cũng là công ty độc quyền sản xuất, cung cấp xe buýt trên thị trường Việt Nam) đã được chính quyền giao nghiên cứu, chế tạo loại xe tải nhỏ nhằm thay thế xe lam, ba gác. Tuy nhiên, qua việc những người làm rác dân lập đều thuộc thành phần cùng đinh trong xã hội thì dự án này xem như đã phá sản ngay từ đầu vì người dân sẽ không đủ tiền mua xe.

Truyền hình nhà nước trong ngày 13/1/2008 cũng phát đi bản tin về việc thu gom, xử lý rác thải y tế khiến mọi người dân đều hãi hùng. Không có xe chuyển rác, rác thải y tế đã được chở trên xe cứu thương và đốt trong các lò đốt không đảm bảo vệ sinh môi trường. Cũng trong đêm 13/1/2008, phóng viên Chứng nhân Lịch sử ghi nhận cảnh tượng cười ra nước mắt: Các công nhân vệ sinh đã gom rác trên đường phố thành từng đống nhỏ và... đốt vì không có xe để chở đi.

Trước việc bỏ nghề hàng loạt của những người thu gom rác và sự lúng túng của chính quyền trong giải quyết vấn đề, nhiều nhà quan sát khẳng định rằng Việt Nam sẽ phải đón một cái Tết Mậu Tý ngập tràn trong rác.

UYÊN MY
Chứng nhân Lịch sử