15 thg 1, 2008

Eo ôi, rác!

Chỉ 2 tuần lễ sau khi lệnh cấm lưu hành các loại xe ba, bốn bánh tự chế có hiệu lực, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sống chung với rác.

Theo ghi nhận của Chứng nhân Lịch sử tại Sài Gòn và Hà Nội, tình trạng rác thải sinh hoạt không được thu dọn kịp thời là phổ biến. Ngay trên đường phố, không khó khăn gì để người dân chứng kiến cảnh rác được dồn thành đống mà không được ai thu dọn. Nguyên nhân của việc dồn ứ rác thải xuất phát từ việc những người hành nghề thu gom rác dân lập, sử dụng phương tiện xe lam và ba gác, quyết định bỏ nghề vì sợ bị công an tịch thu xe.

Được biết, quy trình xử lý rác tại các đô thị gồm việc các xe rác dân lập đến từng hộ gia đình nhận rác, tập trung về các bô rác trung chuyển để lực lượng xe tải chuyên dụng của Cty. Dịch vụ công ích chuyển đến các hố chôn rác ở các tỉnh thành. Riêng lượng rác trên đường phố sẽ do các công nhân vệ sinh thu dọn vào ban đêm và cũng đưa về các bô rác trung chuyển.

Với lệnh cấm lưu hành các loại xe ba, bốn bánh tự chế, nhiều hộ gia đình hành nghề thu gom rác đã phải rã xe, bán phế liệu, và chuyển sang làm các công việc khác như phụ hồ, khuân vác... Thông tin từ Tây Ninh cho biết trong những ngày gần đây có một lượng lớn người Sài Gòn chuyển đến vùng biên giới và gia nhập đoàn quân cửu vạn (gánh thuê hàng lậu qua biên giới). Một số lớn trong những người này là dân làm rác giải nghệ.

Một nghiệp chủ của nghiệp đoàn rác dân lập nói với Chứng nhân Lịch sử: "Nghiệp đoàn chúng tôi trước đây có hơn 450 người. Hai tuần nay đã có hơn 180 người bỏ nghề. Chúng tôi cũng đã cố động viên họ nhưng cũng phải chấp nhận sự thật là chẳng ai dám đợi thêm 6 tháng nữa. Nếu tới lúc đó mà chính quyền vẫn không có cách giải quyết nào thì anh em chỉ còn nước chết đói chứ biết làm gì mà sống". Ông cho biết thêm rằng dù chính quyền có gợi ý sẽ cho nhập loại xe tải nhỏ, tải trọng 500kg, miễn thuế để phục vụ việc vận chuyển rác nhưng những người làm rác không ai có thể có 147 triệu đồng để mua xe này.

Theo các nguồn tin riêng của chúng tôi thì Xí nghiệp Samco (Cty. kinh tài của các quan chức Cộng sản cấp cao, cũng là công ty độc quyền sản xuất, cung cấp xe buýt trên thị trường Việt Nam) đã được chính quyền giao nghiên cứu, chế tạo loại xe tải nhỏ nhằm thay thế xe lam, ba gác. Tuy nhiên, qua việc những người làm rác dân lập đều thuộc thành phần cùng đinh trong xã hội thì dự án này xem như đã phá sản ngay từ đầu vì người dân sẽ không đủ tiền mua xe.

Truyền hình nhà nước trong ngày 13/1/2008 cũng phát đi bản tin về việc thu gom, xử lý rác thải y tế khiến mọi người dân đều hãi hùng. Không có xe chuyển rác, rác thải y tế đã được chở trên xe cứu thương và đốt trong các lò đốt không đảm bảo vệ sinh môi trường. Cũng trong đêm 13/1/2008, phóng viên Chứng nhân Lịch sử ghi nhận cảnh tượng cười ra nước mắt: Các công nhân vệ sinh đã gom rác trên đường phố thành từng đống nhỏ và... đốt vì không có xe để chở đi.

Trước việc bỏ nghề hàng loạt của những người thu gom rác và sự lúng túng của chính quyền trong giải quyết vấn đề, nhiều nhà quan sát khẳng định rằng Việt Nam sẽ phải đón một cái Tết Mậu Tý ngập tràn trong rác.

UYÊN MY
Chứng nhân Lịch sử

25 thg 12, 2007

Tại sao báo chí Việt Nam im lặng?

Những sự kiện lớn của xã hội thời gian gần đây đã không được các cơ quan báo chí chính thống Việt Nam phản ánh. Họ im lặng trước sự phẫn uất của hàng triệu người Việt, cả ở quốc nội lẫn hải ngoại. Trước sự chất vấn của Chứng nhân Lịch sử nhân danh tình bạn, nhiều nhà báo đã phải cúi đầu, nhưng vẫn không lên tiếng.

Lê Doãn Hợp
Bộ trưởng Thông tin
Truyền thông VN
Ảnh: VNExpress
Cộng đồng internet Việt Nam đến hôm nay vẫn chưa quên hình ảnh cuộc biểu tình đòi lại đất đai bị chính quyền cưỡng đoạt của hơn 1500 người dân. Gần một tháng trời, những con người nhỏ nhoi ấy đã dầm mưa dãi nắng trước trụ sở Văn phòng II, Quốc hội Việt Nam (194 - Hoàng Văn Thụ - Phú Nhuận). Những người nông dân chân lấm tay bùn, những người già và em bé đã khản tiếng kêu gào trong đói khát, tuyệt vọng trước sự im lặng đáng sợ của chính quyền và của 702 tờ báo Việt Nam. Khi cuộc biểu tình đầy nước mắt ấy bị trấn áp, "thu dọn" trong bóng tối, những tờ báo lớn đồng loạt lên tiếng: "Người khiếu kiện đã tự giác trở về địa phương". Tiếp sau đó là cả một chiến dịch bôi nhọ những người dân oan, vu cáo họ là những kẻ gây rối, bị các phần tử phản động xúi giục... Trơ trẽn hơn, chính quyền đã vận dụng cả một hệ thống truyền thông dày đặt để đả phá cá nhân một tu sĩ Phật giáo, vu cho ông cái tội mua chuộc người dân biểu tình.

Những sự kiện mới

Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cơ quan hành chính cấp huyện để quản lý vùng biển Tam Sa tức Nam Sa, Trung Sa và Tây Sa. Nam Sa và Tây Sa thực chất chính là Hoàng Sa và Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt. Cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới nổi giận, tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Tại Việt Nam, hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn. Người Việt ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đài Loan, bất chấp những khác biệt về chính kiến đã đồng lòng đứng lên kêu đòi Trung Quốc trả lại đất, biển quê hương. Báo chí Việt Nam vẫn im lặng - một sự im lặng nhục nhã trong cảnh nguy biến của nước nhà, sự suy vong của một dân tộc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, vẫn ra ra ca bài "bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý". Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lão Tần Cương, yêu cầu chính quyền Việt Nam nên có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn biểu tình, tránh làm tổn hại quan hệ song phương. Ngay sau lời "nhắc nhở" của Lão Tần Cương, các cuộc biểu tình của văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam đã bị các lực lượng công an, mật vụ, an ninh... Việt Nam trấn áp. Các văn nghệ sĩ, trí thức đã hăng hái tham gia cuộc biểu tình đòi chủ quyền dân tộc như nhà văn Trang Hạ, nhạc sĩ Tuấn Khanh, sinh viên Kim Duy, họa sĩ Trịnh Cung, nhà báo tự do Hoàng Hải. luật sư Bùi Kim Thành... đã bị chính quyền câu lưu, khủng bố dưới nhiều hình thức, kể cả chụp mũ phản động, xúi giục, cầm đầu...

Giữa đám đông những người con nước Việt đang kêu đòi công lý, lão nhạc sĩ Tô Hải đã điểm mặt những tên mật vụ, chỉ điểm Việt Nam bắt giữ người yêu nước. Cũng chính lão nhạc sĩ đã cho ta thấy một sự thực ngỡ ngàng: Cuộc trấn áp biểu tình của an ninh, công an Việt Nam được đặt dưới sự giám sát của nhân viên an ninh Trung Quốc. Trong cuộc họp bí mật của chính quyền TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, Ủy viên Bộ chính trị Lê Thanh Hải, người có nhiều quyền lợi kinh tế với Trung Quốc đã yêu cầu phải trấn áp mạnh hơn với những kẻ biểu tình và xem đó như là những cuộc tập dợt cho những đợt trấn áp lớn hơn và quy mô hơn.

Báo chí Việt Nam vẫn im lặng và tiếp tục im lặng, bịt mắt, bịt tai trước việc hơn 1500 linh mục, nữ tu, giáo dân Công giáo Việt Nam biểu tình tại Hà Nội đòi lại đất Tòa khâm sứ đã bị chính quyền cưỡng chiếm trong nhiều năm. Không một tờ báo nào đưa tin về trường hợp các văn nghệ sĩ bị câu lưu, thẩm vấn. Ngay cả một "nét son" của chính quyền Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển Đông thông qua hành động triệu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến để phản đối hành vi chiếm đoạt lãnh hải của chính quyền Trung Quốc cũng không một tờ báo nào tại Việt Nam dám nói. Cộng đồng cư dân mạng chỉ bết được điều đó qua bản tin của một tờ báo nhỏ tại Hong Kong, được BBC thông tin lại. Chính quyền Cộng sản Việt Nam xưa nay vẫn luôn rất biết cách PR cho mình vì sao lại không tung hô hành động vẻ vang và cao cả ấy? Phải chăng động tác triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối chỉ là triệu tập để năn nỉ như nhiều người hoài nghi?

Nguyễn Thiện Nhân
Phó thủ tướng
Bộ trưởng Giáo dục VN
Ảnh: VNN
Chiếc gông trên cổ

Các cơ quan ngôn luận Việt Nam gồm báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình... từ nhiều năm nay vẫn tự sướng rằng mình đại diện cho tiếng nói của nhân dân, của dân tộc. Qua hàng loạt sự kiện, thực tế đã chứng minh đó chỉ là những lời xảo ngôn, bịp bợm. Báo Nhân Dân là tiếng nói của Đảng Cộng sản và Nhà nước bù nhìn. Báo Tuổi Trẻ là tiếng nói của Thành đoàn TP.HCM (mà ta đã biết qua việc cử người phá rối cuộc biểu tình ôn hòa của các tầng lớp dân chúng Việt Nam vừa qua). Báo Thanh Niên là tiếng nói của Hội Liên hiệp Thanh niên, cơ quan không hề có tiếng nói nào để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải. Báo Phụ Nữ là tiếng nói của Hội phụ nữ. Báo Người Lao Động là tiếng nói của Tổng liên đoàn lao động... Không có bất kỳ cơ quan truyền thông nào tại Việt Nam là tiếng nói của người dân. Chứng minh? Tiếng nói của hàng triệu trái tim Việt Nam trước cảnh nước mất, nhà tan không hề được vang lên trên báo.

Báo điện tử VietNamNet sau khi đăng tải bài viết của sử gia Dương Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đã phải lập tức bóc gỡ bài viết, chịu phạt 30 triệu đồng và nguy cơ Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn bị mất chức. Điều đặc biệt là hành động cử người tiến chiếm ghế tổng biên tập của ông Tuấn lại được thực hiện khi ông Tuấn đang có cuộc công du Hoa Kỳ. Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phải lập tức bóc gỡ bài viết nhỏ xíu của mình khỏi trang điện tử. Bài viết chỉ chứa ba chữ "bán cả biển". Những điều trên hùng hồn khẳng định một chân lý: Báo chí tại Việt Nam không hề có tự do và không phản ánh tiếng nói của dân tộc.

Trong Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật báo chí (ngày 24/12), ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam cho biết sẽ thành lập thêm 3 cơ quan để "quản lý" và "giám sát" các cơ quan báo chí Việt Nam, để các cơ quan này đi đúng trên "lề đường bên phải" mà Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Kể từ đầu năm 2008, truyền thông Việt Nam sẽ nằm trong cảnh một cổ bốn tròng mà cái tròng quan trọng nhất là Cục an toàn thông tin - nơi sẽ thẩm định độ "chính xác" (theo định hướng của Cộng sản) của mọi bài báo. Cũng trong hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh rằng báo chí phải "Tránh việc thông tin tuy nhanh nhạy nhưng không đúng và không có lợi cho đất nước". Câu nói này giải thích nguyên nhân những cuộc bóc gỡ những bài báo đã xuất bản và những cuộc thanh trừng nội bộ trong các cơ quan báo chí khiến nhiều nhà báo phải ra dân và nhiều tờ báo không còn tính chiến đấu.

Cũng cần phải nhắc lại rằng chỉ vì đưa tin "không có lợi cho đất nước" như vụ báo chí viết về nạn tiền giả tuồng từ Trung Quốc sang, hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, có độc chất... mà nhiều tờ báo đã bị xử phạt từ 10 - 30 triệu đồng. Các phóng viên viết bài đã phải "giải ngũ" khỏi cơ quan báo chí. Sự kiện lớn nhất là cuộc trảm tướng tại Báo Tuổi Trẻ khiến hai tồng biên tập là Huỳnh Sơn Phước và Quang Vĩnh phải về vườn.

Khi báo chí Việt Nam không còn nói tiếng nói của người dân, của dân tộc, chúng ta phải là người lên tiếng.

UYÊN MY
Chứng nhân Lịch sử

25 thg 8, 2007

Từ trường ra đường

Chúng tôi có 2 bản tin liên quan đến học đường, đúng hơn là liên quan đến học sinh. Bản tin thứ nhất tại Cần Thơ. Bản tin thứ hai ở Hà Nội. Đều là thành phố lớn cả. Một là thủ phủ Tây Đô. Một là thủ đô cả nước. Nhưng cách hàng xử của những người liên quan trong bản tin khiến chúng tôi không khỏi giật mình và phẫn uất. Làm sao người ta có thể làm như vậy được? Không nói gì xa xôi, chỉ nói trong mối tương quan giữa con người và con người thì những điều đó đã không thể chấp nhận được, huống chi...

Từ trường

Tin từ trường tiểu học Lê Bình I, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết chỉ vì phụ huynh chưa đóng tiền ăn cho con em mà 179 học sinh tiểu học (Từ 6 - 10 tuổi) đã bị bỏ đói vào trưa ngày 20/08/2007. Trẻ con bị bỏ đói thì sẽ như thế nào nhỉ? Những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương ở các lớp tiểu học bị bỏ đói trông sẽ ra sao? Ai có thể đứng nhìn cảnh những học sinh nhỏ tí đứng ngấp nghé trước nhà ăn, nhìn các bạn mình ăn cơm trong khi mình bị đói? Ai? Ban giám hiệu, "thầy, cô" của trường Lê Bình I chứ ai.

Trả lời chất vấn của báo chí, Mr. Lê Hồng Hưng, Hiệu trưởng trường cho biết: "Nếu linh động nấu cơm, học sinh không ăn thì ai chịu?" Cũng chính ông, nhằm che đậy hành vi tàn ác, vô nhân tính của trường đã nhấn mạnh "Chúng tôi đã gọi điện thông báo cho các phụ huynh còn lại nhưng không nhận được phản hồi". Phải vậy không, ông? Vào trưa ngày 20/08, thời điểm các em học sinh bị bỏ đói, kết quả kiểm tra từ Bưu điện cho biết rằng không hề có 179 cuộc điện thoại phát sinh từ các số máy của Trường tiểu học Lê Bình I. Nghĩa là ông ba xạo. Ông nói láo. Ông xảo biện. Trường Lê Bình I không hề gọi điện thông báo cho phụ huynh các em học sinh nhỏ này về việc các em có thể bị bỏ đói vì phụ huynh chưa kịp đóng tiền ăn cho các em.

Lại nói, số tiền mà phụ huynh các em phải đóng ngay từ những ngày đầu tiên các em nhập học là từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu rưỡi. Ngần ấy tiền không đủ để trường Lê Bình I bố thí cho 179 học sinh một suất cơm trưa sao? Xin ông nhớ cho, thưa ông hiệu trưởng to còi, rằng theo quy định, học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Không đóng học phí mà phụ huynh vẫn phải đóng từ 500 ngà nđến hơn triệu rưỡi. Tức là nhiều tiền lắm, ông ạ. Vậy mà các ông đành lòng bỏ đói học sinh sao? Các ông làm thầy kiểu gì vậy? Kiểu gì? Kiểu nhà kinh doanh - tiền trao cháo múc, không tiền trút cháo vô sao? Nhà kinh doanh còn có đạo đức kinh doanh, lẽ nào torng học đường không có đạo đức nhà giáo?

Ra đường

Nữ sinh Lê Hải Yến (lớp 12, trường Vạn Xuân, Hà Nội) điều khiển xem máy, chở 3, lưu thông trên phố. Tất nhiên, theo Luật giao thông thì em sai. Nhưng em sai không có nghĩa là gã côn đồ Chu Phương Đông (Công an phường Bồ Đề) lại có thể đối xử với em như vậy.

Số là sau khi nhận được tín hiệu yêu cầu dừng xe của Chu Phương Động, em Yến đã chấp hành lệnh bằng cách dừng xe. Hai người bạn của em đã bước xuống. Vì có xe lưu thông ngược chiều chạy đến nên Yến cho xe leo lên lề để tránh. Kết quả là gã Chu Phương Đông đã tặng em một gậy (gậy ma trắc của Công an - gọi là dùi cui) vào sau gáy khiến Yến đổ gục xuống đường, bất tỉnh tại chỗ. Những người đi đường hảo tâm đã đưa em đi cấp cứu và cho đến nay em vẫn còn choáng váng. Báo chí tìm đến để tìm hiểu sự việc. Công an phường Bồ Đề từ chối trả lời.

Tra lại trong các quy định của pháp luật thì Công an phường không có quyền chặn phương tiện giao thông đang di chuyển. Đó là chức năng và quyền hạn của CSGT, không phải của công an phường. Trong tình trạng giao thông tắt nghẽn, công an phường có thể được CSGT nhờ cậy tham gia điều tiết giao thông, nhưng vẫn không có quyền chặn xe. Vậy thì cái gã côn đồ Chu Phương Đông lấy quyền hạn gì mà chặn xe của Yến (dù em sai). Một nữ sinh trung học yếu đuối có thể gây nguy hiểm gì cho ai mà gã Chu Phương Đông lại dùng dùi cui đập vào gáy em? (Chú ý, về mặt sinh lý học cơ thể, một cú đánh vào gáy có thể dẫn đến tử vong). Và vì sao khi sự việc xảy ra, công an phường Bồ Đề lại không tiếp, không trả lời báo chí?

Nhà trường bất nhân. Cảnh sát côn đồ. Có cách nói nào khác nhẹ nhàng hơn không?

Những âm mưu thù địch

4 tháng kể từ bài viết đầu tiên của Chứng nhân Lịch sử trên mạng internet, chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy những chuyển động tích cực của phong trào đòi Tự do, Dân chủ cho Việt Nam. Nhưng cũng trong 4 tháng đó chúng tôi quặn lòng khi chứng kiến những gì nhà cầm quyền Hà Nội đã làm để triệt tiêu những người bất đồng chính kiến. Cũng trong 4 tháng ngắn ngủi, chúng tôi ghi nhận được tình cảm của bạn bè, anh chị em ở khắp nơi dành cho những người tình nguyện như chúng tôi. Điều hạnh phúc lớn lao là từng ngày qua đã có thêm những người bạn tìm đến với chúng tôi để cùng đi trên hành trình tranh đấu.

Hôm nay, 25/08, 2 ngày sau cuộc bắt bớ, đàn áp, "giải tán" những người dân khiếu kiện tại Hà Nội, chúng tôi xin được giới thiệu với các bạn một gương mặt trẻ, mới tham gia cùng Chứng nhân Lịch sử - Nhà báo Uyên My qua bài viết của bạn về tờ Báo Nhân Dân và bài viết của tờ báo này quanh cuộc bắt bớ, đàn áp biểu tình.

Nhóm trí thức, văn nghệ sĩ
Blog CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ


Tôi thường không đọc Báo Nhân Dân vì theo tôi đây không phải là một tờ báo đúng nghĩa. Thứ nhất, thông tin nó đưa ra không chính xác (Ít nhất là ở nhiều sự kiện mà tôi từng kiểm chứng với tư cách một nhà báo). Thứ hai, ngôn ngữ mà báo này sử dụng không phải là "ngôn ngữ báo chí" bởi nó không giữ được "thái độ trung lập" của một tờ báo. Thứ ba, nó không hề đứng về phía độc giả của mình - nhân dân - dù tên nó là Nhân Dân và chính nó tự nhận là tiếng nói của nhân dân Việt Nam.

Không đọc. Nhưng vẫn có báo vì mọi cơ quan nhà nước (như cơ quan tôi) đều bị buộc phải mua báo này, cũng giống như các cơ quan nhà nước tại Sài Gòn buộc phải mua Báo Sài Gòn Giải Phóng vậy. Đôi khi tôi tự hỏi, với những "thông tin" khiến người ta chán ngấy, khô cứng và "nặng mùi" như thế, nếu không bị buộc phải mua thì liệu có ai chịu chi tiền mua các tờ báo này không? Không. Chắc chắn không. Cứ nhìn cách những tờ báo Nhân Dân bị vứt vào một góc, chẳng ai buồn đụng đến trong tòa soạn của chúng tôi thì rõ. Chúng nằm đấy, như chính Đảng Cộng sản Việt Nam - luôn tự khoe khoang mình là số 1, nhưng không lọt được vào tai, vào mắt dân chúng khi dân chúng đã quá hiểu bản chất thực của nó.

Nhưng sáng nay, tựa bài viết to đùng trên Báo Nhân Dân số mới nhất đã "đập vào mắt" tôi, khiến tôi phải cầm nó lên khỏi cái xó vốn là của nó, mang về bàn làm việc, đọc, và... thở dài. Bài báo có tựa đề: "Vạch trần trò “đánh lận con đen” của Thích Quảng Độ và đồng bọn". Thích Quảng Độ là ai mà có thể khiến cho Báo Nhân Dân - tiếng nói của Đảng và Nhà nước - phải đưa một bài "hoành tráng" đến thế? Hóa ra Thích Quảng Độ là một nhà sư (Tên hàng chữ "Thích" nghĩa là đã lên đến cấp Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo, nghĩa là hành trạng và đạo hạnh đã đứng vào hàng cực cao) thuộc Viện hóa đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Từ lâu, Thích Quảng Độ đã là cái gai trong mắt của Hà Nội bởi ông luôn yêu cầu phải thực hiện dân chủ Đa đảng, tôn trọng các quyền tự do tôn giáo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được Hà Nội công nhận là một tổ chức tôn giáo tại Việt Nam), các quyền căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại... Đặc biệt Thích Quảng Độ, với danh phận của một hòa thượng tên hàng chữ Thích đã công khai chỉ trích các chính sách bất công, khắc nghiệt, vô lý của Hà Nội. Tuy gai mắt, Hà Nội không thể ngang nhiên bắt giam ông như bắt giam các nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam nên đã áp dụng chiêu "quản thúc tại nơi cư trú" đối với Thích Quảng Độ.

Từ 22/06 - 19/07/2007, lần đầu tiên lịch sử Việt Nam "sau 75" chứng kiến một cuộc biểu tình đông đảo và dai dẳng như vậy của người dân Việt Nam. Hơn 1000 người từ khắp các tỉnh thành miền Nam Việt Nam đã tiến về Sài Gòn đòi lại công bằng, đất đai của mình đã bị nhà cầm quyền công nhiên thu hồi. Trước tình cảnh hàng ngàn con người mất nhà cửa, đất đai, lê lết trên vĩa hè trước tòa nhà Văn phòng Quốc Hội (Vụ Công tác phía Nam), bị công an liên tục sách nhiễu, đói khát... Thích Quảng Độ đã bất chấp việc Hà Nội quản thúc mình đã mang tiền, gạo đến cứu đói cho dân. Động thái này của ông đã khiến Hà Nội nổi giận bởi chủ trương của Hà Nội là bỏ mặc cho dân đói khát, kiệt quệ thì dân sẽ phải đi về. Nay, Thích Quảng Độ đến phát chẩn, cứu trợ thì dân chúng không còn đói, sẽ tin rằng mình sẽ được cứu giúp, sẽ tiếp tục biểu tình. Ngay trong đêm 18, rạng sáng 19/07, chính quyền đã đổ quân xúc toàn bộ những người biểu tình mang về địa phương, ngăn chặn mọi ngã đường về Sài Gòn để không cho dân chúng quay trở lại. Còn Thích Quảng Độ? Sau đó đã bị giám sát nghiêm ngặt hơn để ông không thể "trốn khỏi nơi quản thúc" đi cứu giúp dân nghèo.

Xét trên lĩnh vực Y học thì không bác sĩ nào lại đi chữa triệu chứng của bệnh mà phải chữa tận gốc rễ, căn nguyên của bệnh. Đau bao tử không thể chỉ uống thuốc giảm đau. Việc công an lợi dụng đêm tối xúc người biểu tình đem về địa phương chính là kiểu chữa triệu chứng bệnh như vậy. Xúc dân chúng về địa phương nhưng không trả lại đất đai đã tước đoạt của họ thì họ sẽ lại tiếp tục biểu tình, đòi lại tài sản của mình. Bằng chứng nhãn tiền là sau khi bị cưỡng bức quay về địa phương, dân chúng đã tìm cách quay trở lại Sài Gòn để biểu tình, đòi đất. Một số lớn khác đổ về Hà Nội. Chính quyền không cho giăng băng-rôn, biểu ngữ, áp-phích (Luật nào không cho nhỉ?) thì dân chúng mặc áo trắng, in chữ lên áo, dán biểu ngữ lên túi xách, mũ, nón... Và cũng giống như tại Sài Gòn, những người dân nghèo tham gia biểu tình đã bị công an cô lập, cách ly khỏi mọi nguồn tiếp trợ lương thực, thuốc men. Họ biểu tình, giữa vòng vây dày đặc của công an chính quy và mật vụ. Những người tiếp tế cho dân chúng bị theo dõi, sách nhiễu.

Không thể trực tiếp ra Hà Nội ủy lạo dân nghèo (vì bị quản thúc nghiêm ngặt), Thích Quảng Độ đã phái hòa thượng Thích Không Tánh mang tiền ra cứu trợ nhân dân. Chuyện gì đã xảy ra? Thích Không Tánh bị bắt ngay tại chỗ và bị áp giải về lại Sài Gòn trong một cuộc ra quân trấn áp của Hà Nội đối với dân chúng.

Trong bài viết của mình, "ký giả" Hoàng Hà của Báo Nhân Dân đặt câu hỏi xách mé "Không biết ông ta (Thích Quảng Độ) lấy đâu ra mà lắm tiền thế?" Tôi có thể mạo muội trả lời ngay cho ký giả Hoàng Hà biết là số tiền ấy (300 triệu đồng) là tiền quyên góp được từ những nhà hảo tâm. Một tổ chức mất uy tín nghiêm trọng như Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân cơn bão Chan Chu có thể quyên góp được 34 tỷ đồng thì một tổ chức tôn giáo như Viện hóa đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quyên được 300 triệu đồng đâu có gì là lạ thưa ký giả. Một linh mục nhỏ xíu tại Bình Thuận với chưa quá 500 giáo dân nghèo còn có thể quyên được hơn 4 tỷ để xây nhà thờ thì một Viện trưởng như Thích Quảng Độ quyên được 300 triệu là nhiều lắm sao?

Cũng trong bài báo, Báo Nhân Dân liên tục nhắc đi nhắc lại rằng Thích Quảng Độ là phản động trong nước đã cấu kết với phản động lưu vong và các thế lực thù địch chống phá nhà nước. Xin lỗi, những câu này, tôi nghe đã nhàm tai. Đảng Cộng sản tốt thế, sao lại có nhiều thế lực thù địch thế? Nhiều đến mức vừa rồi tại Cộng hòa Czech (Tiệp Khắc - quốc gia Cộng sản cũ) đã có cả một ngày "Vì một thế giới không Cộng sản". Cũng trong bài, Báo Nhân Dân nói đến chị Kim Thu (đã bị bắt và vừa được phóng thích) và vẽ lên hình ảnh chị là một người đàn bà "hung hăng khiếu kiện", "lôi kéo người khác gây rối". Tôi tự hỏi hung hăng khiếu kiện là nghĩa làm sao? Là vác hung khí đi khiếu kiện chăng? Đâu có. Chị chỉ ngồi cùng với mọi người, giơ biểu ngữ xin quốc hội cứu dân thôi mà. Còn lôi kéo người khác gây rối là sao nữa khi những người dân nghèo chỉ ngồi lê lết trên phố cầu xin sự quan tâm giải quyết của chính quyền. Báo Nhân Dân viết "Tệ hại hơn, bà ta bắt mối liên lạc với các tổ chức phản động trong nước và nước ngoài, ghi âm, “phỏng vấn”, chụp ảnh cảnh người dân khiếu kiện để chuyển ra ngoài cho bọn xấu sử dụng xuyên tạc chống phá Việt Nam".

Ghi âm tức dùng phương tiện kỹ thuật để thu lại giọng nói thực của một hay nhiều con người thực về một vấn đề, sự việc. Phỏng vấn tức hỏi một hay nhiều người về một sự việc, vấn đề. Chụp ảnh là dùng máy ảnh ghi nhận lại hình ảnh thực của thế giới quanh ta. Thế thì làm sao có thể xuyên tạc được nhỉ khi mọi thứ đếu là thực. Đưa tin về thảm trạng của dân chúng nghĩa là chống phá Việt Nam sao? Cách lý luận này, quả thực chỉ có thể có trong giọng điệu của Cộng sản mà thôi.

Phàm cái gì không đúng ý Cộng sản thì là phản động. Chỉ ra cái sai của Cộng sản thì là xuyên tạc, nói xấu. Đòi lại tài sản của mình thì là gây rối. Có thể nào như vậy sao? Nhưng, nếu Thích Quảng Độ là một kẻ phản động (Theo luật thì tội này nặng lắm) như Báo Nhân Dân nói, sao Hà Nội không bắt ông ta cầm tù như đã và đang bắt nhiều người khác mà chỉ lôi ông ta lên báo để tuyên truyền, bêu rếu ông ta thôi? Hơn nữa, một bài báo "hoành tráng" đến như vậy trên một tờ báo "lớn" như Nhân Dân vì sao lại không có tấm ảnh nào minh họa cho việc "gây rối", "hung hăng khiếu kiện" của dân chúng? Báo Nhân Dân không có ảnh (hay không muốn đăng ảnh) thì tôi đăng.

UYÊN MY

20 thg 8, 2007

Ly cà phê này giá bao nhiêu?


Một ly cà phê đá vĩa hè giá bao nhiêu hở bạn? 3000, 4000? Khoảng đấy thôi, không đắt hơn đâu. Nhưng nếu bạn chưa từng có cơ hội để uống một ly cà phê đá vĩa hè vì không tiền thì chúng tôi đánh cuộc là bạn không thể biết được giá của ly cà phê ấy - cũng như người đàn ông bán bánh tráng mà chúng tôi tình cờ gặp được trên hành trình tìm hiểu số phận của dân chúng Việt Nam.

Người đàn ông bạn nhìn thấy trong tấm ảnh này sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi, có vợ và 3 người con. Sau trận bão Chan Chu lịch sử - trận bão mà vì sự tắc trách và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm, hàng ngàn người đã chết, mất nhà cửa, trở thành những kẻ vốn đã nghèo càng thêm đói - ông đã phải rời quê nhà lang thang vào Sài Gòn kiếm sống. Ông cùng 5 người đồng hương chung tiền thuê một căn nhà (chính xác phải gọi là một cái ổ hoặc một cái chòi) để ở với giá 600 ngàn đồng/tháng (chưa kể tiền điện, nước). Mỗi ngày, ông ra đi từ sáng đến khuya, bán bánh tráng, kiếm 20 ngàn (gần 1,3 Mỹ kim) để sống, dành dụm gởi về quê nuôi vợ, nuôi con.

Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết rằng sau cơn bão Chan Chu oan nghiệt ấy, cả gia đình 5 người của ông được chính quyền "bố thí" cho 5 ký gạo. Con ông đi học được nhà trường cho 2 gói mì tôm. Ông không hề biết rằng những người dân Việt Nam ở khắp nơi đã đóng góp cứu trợ miền Trung số tiền hơn 34 tỷ đồng. Theo tin tức báo chí, mãi hơn 1 năm sau, hàng ngàn nạn nhân (và thân nhân) bão Chan Chu đã nhận được tổng số tiền là 5 tỷ đồng. 29 tỷ còn lại đã biến mất.

Con ông, học giỏi, nhưng vì không có tiền đóng tiền trường, bị bắt đứng cột cờ phơi nắng. Xót con, anh đành cho cháu nghỉ học. Ngày qua ngày, ông lang thang khắp các đường phố Sài Gòn để mưu sinh và chờ đợi một ngày nào đó đời mình sẽ bớt khổ hơn. Nhưng liệu sẽ có ngày đó hay không lại là điều không ai dám nói chắc. Một người đàn ông quắt queo ở tuổi 43 so với những quan chức quá lục tuần vẫn mập mạp, hồng hào. Một người dân mỗi ngày vất vả từ sáng sớm đến mịt mờ khuya kiếm được hơn 20 ngàn đồng nuôi cả gia đình so với các thành viên Bộ chính trị Việt Nam với gia tài lên trên con số tỷ đô la. Hai hình ảnh tương phản ấy có gợi lên trong bạn chút suy nghĩ nào không?

Không thể làm gì nhiều hơn cho ông (Chúng tôi gọi bằng ông, vì ông xưng chú, gọi chúng tôi là cháu, dù tuổi chúng tôi cũng xấp xỉ bằng ông), chúng tôi chỉ có thể thay mặt nhóm 8406 gởi ông ít tiền để chữa mắt, để gia đình ông đỡ vất vả hơn (dù có thể chỉ trong vài ngày)

Và bạn, nếu được, hãy ra khỏi nhà, để đi, để nhìn thấy thân phận của những con người nhỏ bé trên đất Việt Nam...