15 thg 8, 2007

1 ngày 3 tin và con số biết nói

Có người bạn nói với chúng tôi, rằng để nói hết được những cái bất cập, bất công trong xã hội Việt Nam hiện tại thì mỗi ngày cần viết ít nhất là 9 entries. Chúng tôi cũng biết rằng với tốc độ viết như hiện nay, chúng tôi sẽ bỏ sót nhiều, khá nhiều sự kiện. Bỏ sót nhiều, nhưng vẫn nhiều bất công, bất cập. Tức là thực tế những điều tệ hại ở Việt Nam đạt đến con số mà ta không tưởng tượng nổi. Chúng ta vẫn chấp nhận được sao?

Tin thứ nhất

Nghĩa trang quân đội Biên Hoà (Nghĩa trang tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Tỉnh Bình Dương) đã chính thức được Quân khu 7 bàn giao cho UBND Tỉnh Bình Dương. Tỉnh này sau đó đã bàn giao lại 32 ha đất (là nghĩa trang cũ) cho UBND huyện Dĩ An để làm nghĩa trang nhân dân. Tin này được loan đi từ Báo Thể Thao & Văn Hóa (Báo con của Thông tấn xã Việt Nam) và được Báo Thanh Niên ngợi ca là một nghĩa cử đẹp, biểu hiện cụ thể của chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc...

Những người lính, chiến đấu, hy sinh cho tự do, cho quê hương giờ đây đã trở về với nhân dân, không còn được vinh danh, không còn được tôn trọng như những người lính. Giờ đây, chỉ còn lại gia đình, con em họ nhớ đến họ. Cùng lắm, những người bạn chiến đấu khi xưa nhớ đến thì đến thăm họ (Không có nghĩa là không bị theo dõi). Chợt nhớ, 27/07 vừa qua, hàng loạt "đại lễ" được tổ chức để vinh danh những người lính Cộng sản đã được tổ chức ở khắp nơi. Hoa, nến, những em nữ sinh tươi tắn đã đến khắp các nghĩa trang liệt sĩ để sưởi ấm lòng người đã khuất. Còn những người lính Việt Nam Cộng Hòa? Lặng lẽ nằm cùng nhân dân, trong lòng đất mẹ. Lặng lẽ làm người thua cuộc như trong liên khúc "Những nấm mồ hoang".

Ai liều thân dâng cho hòa bình... giờ chỉ còn là rêu xanh trên những nấm mồ hoang...

Tin thứ hai

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của chính phủ Nhật Bản, một dự án có tên là "Phát triển internet phục vụ cộng đồng nông thôn" đã được Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm duyệt qua công văn số 4493/VPCP-QHQT. Nghe thì vậy, nhưng nhìn vào nội dung dự án mới thấy cái sự phục vụ nông thôn sao mà xa vời vợi. Dự án chia làm nhiều phần gồm: Xây dựng các điểm truy cập, Mạng thông tin công cộng, Cổng truy cập của UBND Tỉnh Hòa Bình, Cổng truy cập của Bộ Thông tin & Truyền thông, Phát triển nguồn nhân lực và các dịch vụ tư vấn, khai thác, Cổng truy cập của Bộ Y tế, Cổng truy cập của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Cứ nhìn theo danh sách đó thì thấy rõ ràng là nguồn vốn vay ưu đãi mà chính phủ Nhật Bản cho ta vay chỉ để nhằm phục vụ cho việc... làm web cho các cơ quan nhà nước chứ chẳng có cái nào phục vụ nông dân cả. Và, cứ nhìn theo tấm ảnh minh họa mà Báo Người Lao Động chụp thì... bạn thấy đấy, một cái máy, một đống người. Bao nhiêu người nông dân sẽ thực sự được cầm đến con chuột máy tính mà không phải trả tiền? Bao nhiêu người nông dân sẽ hưởng lợi từ cái dự án tên là phục vụ cộng đồng nông thôn nhưng chỉ toàn làm web cho các Bộ của nhà nước, để các Bộ tự sướng với mình, so đo với nhau và tự PR?

Điều đặc biệt là dự án làm web cho các Bộ thì ngân sách (tiền vay ưu đãi) sẽ chi, còn những hạng mục khác như xây dựng điểm truy cập, thiết lập mạng thông tin công cộng thì các công ty tham gia thầu sẽ phải... vay lại tiền này để làm và trả tiền lời cho nhà nước.

Tin thứ ba

Mờ sáng ngày 11/08/2007, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (Tây Ninh) đã thuê xe hơi, chở xác anh đến UBND xã Long Thành Trung yêu cầu làm rõ vì sao anh chết tại Công an xã Long Thành Trung.

Được biết, ngày 10/08, anh Toàn nhậu tại nhà, có cãi vã với vợ là chị Nguyễn Thị Bảy. Nội dung cuộc cãi vã xoay quanh miếng đất mà cha chị Bảy cho. Trong lúc cãi vã, anh ruột của chị Bảy là Nguyễn Văn Sáng đi đến. Giữa Toàn và Sáng xảy ra đôi co. Chị Bảy đi báo công an. Công an đến, yêu cầu Toàn và Sáng về trụ sở làm việc. Sau đó Sáng được cho về. Toàn bị giữ lại. Đến 12 giờ khuya chị Bảy mới được công an gọi đến làm việc và đến 3 giờ sáng thì chị được thông báo là anh Toàn đã chết, đang chuẩn bị mổ tử thi.

Dù chị Bảy yêu cầu đợi gia đình anh Toàn đến nhưng công an không đồng ý mà yêu cầu chị ký tên để tiến hành mổ tử thi. Ngoài chuyện lạ nêu trên, một chuyện lạ khác nữa là chị Bảy được công an thông báo là đã tự treo cổ chết, nhưng trên người anh lại có nhiều vết bầm rất đáng nghi ngờ là do bị đánh. Nhiều người cho rằng anh Toàn đã bị đánh chết, rồi sau đó bị treo cổ lên để dựng hiện trường giả là anh tự tử. Đặc biệt, sau cái chết của anh Toàn, chính quyền đã "hỗ trợ" gia đình anh 5 triệu đồng để mai táng anh.

Tin bổ sung

Sau vụ lùm xùm trên báo quanh chuyện Thiếu úy CA Đỗ Hoài Phương Minh dùng kiếm rượt chém nhân viên an ninh sân bay Đà Nẵng mà chúng tôi đã đưa tin, đến nay, sau thông báo "Chắc là sẽ chỉ xử lý hành chính" vì "chưa có hậu quả gì nghiêm trọng" của Thượng tá CA Quận Hải Châu (Đà Nẵng), ông này đã... bế quan luyện công, không tiếp báo chí đến tìm hiểu, thu thập thêm thông tin về sự việc. Phóng viên báo nào hẹn, đăng ký gặp ông đều nhận được thông báo "Tôi bận họp". Chấm hết. Chìm xuồng rồi!

Và... con số biết nói

Bất chấp những phát biểu đầy hoa mỹ (nhưng sáo rỗng) của các vị nghị sĩ, dân biểu Việt Nam, rằng đại biểu quốc hội phải luôn sâu sát với nhân dân, phải biết lắng nghe nhân dân, phải sống trong dân chứ không phải trong Hội trường Ba Đình... mục Thăm dò ý kiến bạn đọc của Báo Tiền Phong đã cho ra một kết quả rất rõ ràng, chi tiết và không thể chối cãi được.

Mời bạn xem ảnh bên để thấy rằng 99,24% cử tri Việt Nam (584.709 người - độc giả của Báo Tiền Phong) chưa từng có cơ hội tiếp xúc với những người "do dân bầu ra", những người "đại diện quyền lợi cho dân", những người "sẽ làm hết sức vì nhân dân" để xứng đáng với "sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân".

Chỉ có 1394 người hân hạnh được gặp dân biểu 1 lần (chiếm 0,24%). Gặp, nhưng không có nghĩa là được nói chuyện, được đề đạt nguyện vọng, nói lên bức xúc của mình. Trên thực tế, trong hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri mà chúng tôi tìm cách tham dự được chỉ là dân biểu nói, dân chúng nghe, nghe chán thì đi về vì biết rằng dân biểu chỉ hứa chứ không thực hiện.

0,99% (528 người) "được" dân biểu tiếp xúc 2 lần. 483 người (0,08%) vinh hạnh được dân biểu tiếp xúc 3 lần. Và 0,36% (2092 người) được tiếp nhiều hơn 3 lần. Những người này, không ai khác hơn là các tổ trưởng dân phố, công an, cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng... Những người đại diện cho... giới cầm quyền.

Không có nhận xét nào: