10 thg 8, 2007

Xin cho tôi xin lại cuộc đời

Xin lại. Một khái niệm đặc biệt (rất đặc biệt) của người dân miền Nam. Khi bị cướp (cưỡng đoạt) một cái gì đó nhưng lại không thể chống cự, chiến đấu để đòi lại, giành lại, người miền Nam đành phải "xin" lại. Kẻ cướp có lòng cho lại thì cảm ơn. Kẻ cướp không cho thì đành nín nhịn. Chứ còn biết phải làm gì hơn khi kẻ cướp quá mạnh mà ta thì thế cô, sức yếu?

Chợt nhớ có câu hát rằng: "Hò ơ... Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời giặc cướp có thương dân mình". 32 năm sau ngày giành chiến thắng, giặc Đỏ vẫn đang từng ngày cướp bóc lương dân, đẩy lương dân vào cảnh khốn cùng. Những người dân nghèo tay không tấc sắc, chỉ có tấm thân tàn lê lết trên quê hương. Ai xót xa? Ai cảm thông cho họ? Vì đâu mà người mẹ, người chị, những đứa em thơ phải ngồi ra hè phố, đêm về nằm ghế đá công viên để đòi lại đất đai bị công nhiên chiếm đoạt? Vì ai, vì đâu mà hàng ngàn con người phải màn trời chiếu đất như những kẻ ăn xin?

Chiều đi ngang Trụ sở Tiếp dân (210 - Võ Thị Sáu), nhìn thấy cảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người chị Bàn Cờ, những mầm xanh của đất nước bị công an xua đuổi không cho trải giấy báo ngồi, không cho giăng lều bạt. Trong cơn mưa Sài Gòn tầm tã, không biết nước mưa hay nước mắt mình rơi?

Một người sống trong cảnh tù đày sẽ bị tước quyền tự do. Rõ rồi! Họ không được nói, không được làm những điều họ muốn, không được biết tin tức bên ngoài trừ những gì được cho nghe hoặc xem, phải lao động và nhận được những đồng lương rẻ mạt (nhiều nơi không hề có). Tiếp tế bị kiểm duyệt. Tinh thần bị khủng bố từng ngày. Dõi mắt nhìn thế giới tư do sao mênh mông, diệu vợi.

Nghĩ. Hóa ra mình đang sống trong tù chứ có phải đang tự do đâu. Nói lên sự thực những gì đang diễn ra thì bị lùng bắt. Chụp ảnh dân nghèo bị đàn áp thì bị đuổi xua. Truy cập các site cổ súy tự do, dân chủ thì bị firewall ngăn chặn. Muốn viết vài dòng lên blog cũng phải có phép mới được làm. Ngày ngày vẫn phải lao động kiếm cơm (Nhưng vẫn bị gán cho cái tên là "ham bơ thừa, sữa cặn của ngoại bang") Đi uống cà phê với anh em thì công an điện, hỏi: "Đi đâu đó? Đi với ai? Làm gì? Mấy giờ về?" (và "được" có công an đi theo "bảo vệ"). So với cái nhà tù Chí Hòa trên đường Hòa Hưng thì cái nhà tù mình đang sống rộng hơn, nhưng vẫn cứ là một nhà tù.

Trong tù không rượu cũng không hoa...

Ừ thì không rượu, không hoa, chỉ có tiếng hát cất lên mong xua đi tăm tối đang phủ vây quanh cuộc đời mình. Hát đi ta! Hát đi em! Hát rằng: "Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời, để bao giờ trời đất yên vui, xin cho tôi xin lại cuộc đời".

Ca khúc: Xin cho tôi
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Trình bày: Khánh Ly
Xin cho mây che phủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời

Cho tôi đi xây lại chuyện tình
Cho tôi đi nâng dậy hòa bình
Cho tôi đi qua tận gập ghềnh
Nhìn giòng máu trong tim anh
Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn
Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng
Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
Rồi từ đó tôi yêu em...

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
Cho tôi nghe lời hát cỏ cây
Xin cho tôi quên phận tù đày
Xin cho tôi là thoáng rượu cay
Xin cho tôi xin cả cuộc đời
Để hôm nào trẻ hát trong nôi
Xin cho tôi xin chỉ một ngày
Cuộc đời tôi. Cuộc đời ta. Bắt đầu từ 30/04/1975 đã qua một trang khác - đời tù hãm.

Trên đời trăm vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do

Có một gã nào đó đã từng nói như vậy. Giờ thì ta hiểu rằng gã đúng. Cay đắng nào bằng một con người trong một dân tộc không hề có tự do dù hai chữ TỰ DO vẫn luôn luôn ngự chểm chệ ngay dưới quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên mọi đơn, thư, văn bản, giấy tờ, nghị quyết...

Give me liberty
or give me death


Câu nói ấy đã được bọn Đỏ đổi lại thành "Xã hội chủ nghĩa hay là chết" để tự PR cho mình. Và xã hội chủ nghĩa nghĩa là dân chúng không còn có thể nhìn thấy được tự do, công lý bởi những món xa xỉ đó đã bị cướp khỏi tay nhân dân để quy về tay của một nhúm người tự nhận là mình "Vì nhân dân quên mình".

Chiều lang thang trên phố, nhìn thấy em che mặt sau song sắt, chợt thấy rõ hơn bao giờ hết thân phận của những con người Việt Nam nhỏ bé, hiền lành.

Bịt mắt làm chi hỡi em vì dù có bịt mắt hay không em vẫn đang là một đứa trẻ không được ai bảo vệ trong xã hội này. Cha em đâu? Cha em cầm súng và đi liên lạc như trong bài thơ của một tên Đỏ rồi ư? Còn mẹ em? Mẹ em có lẫn đâu đó trong đoàn người biểu tình đòi quyền sống và đòi công lý? Còn em? Em buồn gì sao em không nói? Có phải em đang kêu gào: "Không! Tôi không muốn bị sinh ra"?

Ta vẫn từng ngày lang thang qua những con phố nhỏ, những con đường Sài Gòn giờ đã khác xưa. Những người lạ mặt, không lạ mặt, nhưng vẫn là những người lạ mặt bám theo ta để cố gắng chộp lấy một hành vi nào đó của ta khả dĩ để chúng khép vào cái tội gián điệp, tuyên truyền chống phá nhà nước và những tội lớn, tội nhỏ nào khác nữa. Nhưng ta hứa ta sẽ giữ lại những hình ảnh này - cho hôm nay và cho mai sau nhìn lại, để ngày mai em lớn khôn em còn biết được rằng dân tộc ta đã từng trải qua những tháng ngày tăm tối nhất trong nền văn minh con người.

Không có nhận xét nào: